Sử dụng công nghệ của Wormhole, Mayan Finance ra đời nhằm cung cấp giải pháp chuyển tài sản giữa các blockchain với chi phí thấp cùng tốc độ xử lý vượt trội. Vậy Mayan Finance là gì? Cùng vadercrypto tìm hiểu một cách đơn giản và dễ hiểu nhất nhé!
Mayan Finance là gì?
Mayan Finance là một giao thức hoán đổi chuỗi chéo, cho phép người dùng trao đổi tài sản trên chuỗi này lấy tài sản trên chuỗi khác một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí nhất.
Dự án sử dụng công nghệ của Wormhole và cơ chế đấu giá trên mạng Solana để cung cấp các sản phẩm như Wormhole Swap, Swift và MCTP, cung cấp dịch vụ chuyển tài sản với chi phí thấp và tốc độ xử lý nhanh.
Đội ngũ phát triển
Hiện tại, thông tin chi tiết về đội ngũ phát triển vẫn chưa được công bố ngoại trừ một tài khoản X ẩn danh có tên Storm, đảm nhận vai trò Head of Growth.
Quỹ đầu tư
- 11/04/2024: Vòng Seed huy động được 3 triệu USD với sự dẫn đầu của 6th Man Ventures và Borderless Capital, cùng sự tham gia của một số nhà đầu tư như Solana Ventures, Arrington XRP Capital, Big Brain Holding, Wormhole, Anatoly Yakovenko (Co-Founder Solana),…
Sản phẩm của Mayan Finance là gì?
Mayan Finance sử dụng 3 phương pháp khác nhau để thực hiện các giao dịch chuỗi chéo. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm riêng, đáp ứng nhu cầu về tốc độ và chi phí cho người dùng. Tất cả các phương pháp này đều được hỗ trợ bởi hệ thống truyền thông điệp của Wormhole.
- WH Swap Bridge: Là phương pháp chuyển tài sản thông qua cầu nối Portal Bridge (của Wormhole).
Cơ chế hoạt động: Tài sản ban đầu được chuyển đến chuỗi Solana thông qua Portal Bridge (do Wormhole phát triển). Tại đây, các bên thứ ba sẽ tham gia đấu giá để giành quyền xử lý giao dịch. Bên thắng sẽ thực hiện hoán đổi tài sản gốc thành loại tài sản mà người dùng muốn nhận trên chuỗi đích, sau đó chuyển trực tiếp vào ví của họ.
- Ưu điểm: Bảo mật cao nhờ chuyển tài sản bằng Portal Bridge.
- Nhược điểm: Xử lý giao dịch chậm, người dùng phải chờ khoảng vài chục phút để nhận được tài sản và chịu mức phí cao 0.1%.
Vì vậy WH Swap Bridge phù hợp với các Whale, thực hiện lệnh chuyển tài sản có giá trị lớn, xuất phát từ các chuỗi khác đến Solana.
- Swift: Là phương pháp chuyển tài sản thông qua một bên thứ 3 (Driver) hoàn toàn.
Cơ chế hoạt động: Khi người dùng thực hiện lệnh, tài sản của họ sẽ được khóa trên chuỗi nguồn. Tiếp theo, bên thứ ba (Driver) tham gia đấu giá trên Solana để giành quyền xử lý lệnh. Driver sẽ thực hiện việc chuyển tài sản mong muốn vào ví của người dùng trên chuỗi đích. Sau khi lệnh hoàn tất, Driver nhận được biên lai và sử dụng nó để rút lại tài sản bị khóa trước đó của người dùng trên chuỗi nguồn thông qua Wormhole.
- Ưu điểm: Tốc độ giao dịch nhanh và phí rẻ.
- Nhược điểm: Giao dịch không chắc chắn sẽ thành công, nếu Driver không hoàn thành lệnh thì người dùng sẽ nhận lại tài sản ban đầu.
Vì vậy Swift phù hợp với người dùng nhỏ lẻ, chuyển tài sản có giá trị thấp.
- MCTP (Mayan-Circle Transfer Protocol): Là phương pháp chuyển tài sản thông qua giao thức CCTP của Circle.
Cơ chế hoạt động: Token đầu vào sẽ được chuyển đổi thành USDC, sau đó USDC được chuyển đến chuỗi đích thông qua cơ chế CCTP của Circle. Quá trình này bao gồm việc đốt USDC trên chuỗi nguồn và mint cùng một lượng USDC tương ứng trên chuỗi đích. Tiếp theo, các bên thứ ba tham gia đấu giá trên Solana sẽ được chọn để thực hiện việc hoán đổi USDC trên chuỗi đích thành loại tài sản mà người dùng mong muốn, sau đó chuyển tài sản này trực tiếp vào ví của họ.
- Ưu điểm: Bảo mật cao và không thu phí giao thức.
- Nhược điểm: Chỉ hỗ trợ các chuỗi có USDC native như Ethereum, Solana, Base, Arbitrum, Optimism, Avalanche,… Và phải mất thêm một khoản phí swap chuyển tài sản trên chuỗi nguồn thành USDC.
Vì vậy MCTP phù hợp với các Whale, chuyển lượng lớn USDC từ chuỗi nguồn để nhận tài sản khác trên chuỗi đích.
Tokenomics
Dự án chưa tiết lộ thông tin gì về Tokenomics.
Tiềm năng và thách thức
6.1 Tiềm năng
- Sản phẩm tốt: Sản phẩm của Mayan Finance mang lại mức giá tốt cho tài sản được chuyển giữa các chuỗi, đặc biệt là đến/đi từ Solana.
- Nhu cầu cao trên Solana: Solana đang là chuỗi có hoạt động onchain sôi động nhất với sự bùng nổ của memecoin. Do đó, Mayan Finance dễ dàng tiếp cận người dùng và dòng tiền lớn từ hệ sinh thái này.
6.2 Thách thức
- Độ mở rộng thấp: Mayan Finance chủ yếu hỗ trợ cho một số chuỗi như Solana, Base, Ethereum, Optimism và Arbitrum. Và chưa mở rộng sang nhiều chuỗi khác như Sui, Aptos,…
- Rủi ro lệnh không hoàn thành: Lệnh của người dùng có thể không hoàn thành khi bên thứ 3 không thực hiện lệnh.
- Cạnh tranh: Một số cầu nối hay giao thức đang sử dụng bên thứ 3 (MM) để cung cấp thanh khoản, hỗ trợ chuyển tài sản nhanh chóng và phí rẻ như Across rất được ưa chuộng, đặc biệt là sàn DEX số 1 thị trường Uniswap cũng đã hỗ trợ sản phẩm này.
Kênh thông tin của Mayan Finance
Tổng kết
Mayan Finance mang lại phương pháp hiện đại để đáp ứng nhu cầu giao dịch xuyên chuỗi với tốc độ nhanh và chi phí thấp. Tuy nhiên, dự án vẫn cần mở rộng hỗ trợ thêm nhiều chuỗi blockchain mới để tiếp cận người dùng rộng rãi hơn để cạnh tranh với các dự án khác trong cùng lĩnh vực.